K E N H D U L I E U . C O M

Loading

CỔ TỨC LÀ GÌ? TÁC ĐỘNG CỦA CỔ TỨC ĐẾN GIÁ CỔ PHIẾU

{tocify}
Chúng ta thường nghĩ đơn giản rằng nhà đầu tư chứng khoán kiếm lời từ việc mua bán chênh lệch giá cổ phiếu. Nhưng bạn có biết còn một khoản thu nhập khác rất quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến giá cổ phiếu? Đó chính là cổ tức. Vậy cổ tức là gì và tác động ra sao đến cổ phiếu.

1. Cổ tức là gì?

Cổ tức (dividend) là khoản lợi nhuận được công ty cổ phần trả cho các cổ đông bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu. Cổ tức được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trả chi phí lãi vay và tiền thuế thu nhập. Nguồn lợi nhuận còn lại này còn được gọi là lợi nhận sau thuế.

co-tuc-la-gi-kenhdulieu

Hiểu đơn giản hơn, nếu bạn nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ trích một phần từ lợi nhuận sau thuế để trả lại cho bạn, gọi là cổ tức. Đại hội cổ đông của công ty cổ phần là cơ quan có quyền biểu quyết về mức cổ tức chi trả cho các cổ đông.

Cổ tức có nguồn gốc lịch sử gắn liền với mô hình công ty cổ phần (CTCP) từ đầu những năm 1600 khi một loạt các CTCP Đông Ấn Anh, CTCP Đông Ấn Hà Lan trong lĩnh vực độc quyền buôn bán gia vị, vải lụa bằng tàu biển ra đời. Những CTCP đầu tiên này có chính sách chi trả cổ tức khá lỏng lẻo: những người đầu tư góp vốn theo chuyến đi biển và sau mỗi chuyến đi biển nhận lại vốn cổ phần và tiền lãi.

2. Ý nghĩa của cổ tức

co-tuc-la-gi-kenhdulieu

Bạn hãy hình dung rằng CTCP như một cây dừa và nó cần vốn góp của cổ đông để nuôi bộ rễ. Những năm đầu, CTCP làm ăn chưa có lãi hoặc có lãi ít nên phần lớn lợi nhuận sẽ được giữ lại để tái đầu tư giúp thân cây to hơn, vì thế cổ tức tiền mặt trả cho cổ đông gần như là không có hoặc có nhưng èo uột. Đến khi nó lớn mạnh và tạo ra lợi nhuận đủ lớn, cổ đông sẽ nhận được mức cổ tức đủ hấp dẫn và dần hoàn lại số tiền vốn đã góp vào CTCP ban đầu, cũng giống như trái dừa ngọt ngào rớt xuống vậy.

Như vậy, trả cổ tức là phương thức phân phối lại lợi nhuận của CTCP cho cổ đông. Những doanh nghiệp có mức chi trả trả cổ tức đều đặn thể hiện rằng nó đã đủ lớn, kinh doanh hiệu quả và tạo ra dòng tiền thực hàng năm.

Đối với những nhà đầu tư phòng thủ (defensive investors), họ có xu hướng nắm giữ dài hạn cổ phiếu của những CTCP có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ở mức tương đối và đều đặn hàng năm. Như vậy, ngoài việc kiếm lợi nhuận thông qua sự tăng thị giá cổ phiếu trong tương lai, nhà đầu tư còn hưởng thêm lợi nhuận thông qua cổ tức.

Như vậy, gu đầu tư cổ phiếu để nhận cổ tức sẽ được những nhà đầu tư có đặc điểm dưới đây đón nhận:

  • Họ có tiền nhàn rỗi và sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn tối thiểu từ 3 đến 5 năm.
  • Họ mong muốn một nguồn thu nhập ổn định đến từ cổ tức
  • Lợi nhuận từ cổ tức có thể cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

3. Hai hình thức trả cổ tức

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho rằng việc trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu là không có sự khác biệt quá nhiều. Tuy nhiên, tôi sẽ làm rõ vấn đề này để giúp các bạn tránh những ngộ nhận sai lầm.

Cổ tức tiền mặt là gì?

Cổ tức tiền mặt (cash dividends) là gì? Đơn giản là tiền mặt được trích từ lợi nhuận sau thuế để trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán cho cổ đông. Và đúng như câu “tiền tươi thóc thật”, đây là hình thức trả cổ tức được lòng nhiều cổ đông nhất.

Khi CTCP trả cổ tức bằng tiền mặt thì vốn chủ sở hữu (trên bảng cân đối kế toán) sẽ giảm do có một lượng tiền mặt tương ứng đã đi ra khỏi tài sản của doanh nghiệp.

Số tiền trả cổ tức được thể hiện bằng tỷ lệ % và dựa trên cơ sở mệnh giá cổ phiếu (10.000 đồng/cổ phiếu, theo quy định chung của sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam).

Tại Đại hội cổ đông của CTCP ICD Tân Cảng – Long Bình (ILB) đã thông qua nghị quyết chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông bằng tiền mặt, tỷ lệ chi trả là 15%. Như vậy, 1 cổ phiếu ILB sẽ nhận được: 15% x 10.000 = 1.500 đồng. Với hơn 24,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến ILB sẽ chi gần 37 tỉ đồng tiền mặt để trả cổ tức. Nếu bạn nắm giữ 1000 cổ phiếu ILB, bạn sẽ nhận về 1000 x 1.500 = 1.500.000 đồng.

Chú ý: Tỷ lệ cổ tức sẽ được tính trên mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu (không tính trên thị giá cổ phiếu được giao dịch).

Cổ tức bằng cổ phiếu là gì?

Cổ tức bằng cổ phiếu (stock dividends) là gì? Đây đơn thuần chỉ là nghiệp vụ kế toán, thể hiện qua việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu để chi cổ tức cho cổ đông. Thực chất doanh nghiệp không hề phải chi ra bất kỳ giá trị vật chất nào, do đó vốn chủ sở hữu cũng như tỷ lệ nắm giữ của cổ đông không hề thay đổi.

Ví dụ: CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% (hoặc 1:0,15). Như vậy, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu NDN sẽ nhận về 15 cổ phiếu mới.

Bản chất của việc trả cổ tức bằng cổ phiếu

Nếu bạn đã rõ cổ tức cổ phiếu (hoặc thưởng bằng cổ phiếu) là gì thì về bản chất khá tương đồng với nghiệp vụ chia tách cổ phiếu (stock split) vì không hề có bất kỳ dòng tiền nào chi ra từ doanh nghiệp.

co-tuc-la-gi-anh-03

Hiểu nôm na, tôi mua 1 cái bánh ga-tô (gateux) có giá 200.000 đồng và có thể chia thành 10 miếng bằng nhau – mỗi miếng bánh có giá 20.000 đồng. Nhưng chúng ta đồng ý rằng sẽ cắt cái bánh của tôi thành 11 miếng bằng nhau. Giá trị cả cái bánh vẫn không đổi, nhưng giá trị của một miếng bánh sẽ còn khoảng 18.200 đồng.

Như vậy, một doanh nghiệp chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 10% (hoặc 1:0,1) với giá thị trường là 20.000 đồng/cổ phiếu. Một cổ phiếu cũ sẽ được tách thành 1,1 cổ phiếu mới, khi đó giá thị trường sẽ là 20.000/1,1 = 18.200 đồng/cổ phiếu. Đây được gọi là pha loãng giá trị cổ phiếu (stock dilution).

Gọi là trả cổ tức, nhưng trả bằng cổ phiếu thực chất là việc doanh nghiệp giữ lại tiền mặt/lợi nhuận và thực hiện tăng giảm về sổ sách giữa các khoản mục. Cụ thể, lượng vốn chủ sở hữu không hề thay đổi. Thay vào đó, chỉ có những khoản mục nhỏ nằm trong vốn chủ sở hữu là thay đổi: khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc thặng dư vốn cổ phần sẽ giảm đi để bù đắp cho phần vốn điều lệ tăng lên tương ứng.

Ngộ nhận bạn sẽ thường gặp trên thị trường là: “Chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp tài sản của tôi tăng lên”. Như đã giải thích ở trên, số lượng cổ phiếu tăng nhưng giá trị mỗi cổ phiếu bị pha loãng nên giá trị tài sản của bạn vẫn giữ nguyên. Thậm chí còn giảm trong ngắn hạn khi ngày giao dịch không hưởng quyền xảy ra.

Vì vẫn còn rất nhiều cổ đông có ngộ nhận trên mà ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng trả cổ tức bằng cổ phiếu như một cách để che giấu việc thiếu hụt dòng tiền (không có đủ tiền mặt để trả cổ tức tiền mặt hoặc cố ý để lại quỹ tiền mặt lớn nhằm mục đích cá nhân).

Dù vậy, chia cổ tức cổ phiếu vẫn có ưu điểm, đó là giúp lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng lên, qua đó gián tiếp tăng thanh khoản của cổ phiếu đó. Và nếu kết hợp trả cổ tức bằng cả cổ phiếu lẫn tiền mặt, việc tăng lượng cổ phiếu lưu hành sẽ làm gia tăng thêm đáng kế tổng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Nhiều cổ phiếu kinh doanh hiệu quả đã kết hợp rất tốt việc này, giúp gia tăng giá trị cổ đông một cách đáng kể.

co-tuc-la-gi-anh-04

Trả cổ tức kiểu nào tốt hơn?

Cổ tức tiền mặt vẫn là lựa chọn được đa số cổ đông ưa thích, đặc biệt là những nhà đầu tư phòng thủ. Nhưng bạn hãy cẩn thận với doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt quá lớn vì nếu lãnh đạo doanh nghiệp không còn nhu cầu giữ tiền để tái đầu tư, tức là dấu hiệu tăng trưởng trong tương lai của cổ phiếu sẽ chấm dứt. Hơn nữa, chính sách trả cổ tức tiền mặt quá hào phóng sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh thiếu hụt dòng tiền để tái đầu tư và trả nợ – đây cũng chính là nguyên nhân khiến CTCP Đông Ấn Hà Lan (VOC) phá sản.

Trên quan điểm của chúng tôi, cổ tức tiền mặt nếu được chi trả đều đặn và tăng trưởng (không phải một khoản cổ tức đột biến một lần thiếu bền vững) chứng minh 3 điều: (1) Mô hình kinh doanh ít thâm dụng vốn, do đó nhu cầu CAPEX thấp hơn dòng tiền vào thực tế (2) Doanh nghiệp có dòng tiền tự do rất tốt và đều đặn (3) Ban lãnh đạo có tư duy đôi bên cùng có lợi (win-win) đối với cổ đông.

Vậy nếu chia cổ tức cổ phiếu thì sao? Chúng ta cần phải xem xét đã!

Trong thị trường giá lên (bull market), chính sách trả chia cổ tức cổ phiếu thường được ưa chuộng. Khi giá cổ phiếu đang trên đà tăng, việc pha loãng giá trị cổ phiếu giúp thị giá giảm xuống, tạo tâm lý tích cực cho những nhà đầu cơ đổ tiền vào mua cổ phiếu và sẽ kéo giá cổ phiếu tăng trở lại. Ngược lại, trong thị trường giá xuống (bear market), chính sách chia cổ tức cổ phiếu sẽ pha loãng giá trị khiến thị giá cổ phiếu sụt giảm thêm nữa, tạo tâm lý hoang mang cho các cổ đông.

Những doanh nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng cao thường ưu tiên giữ lại phần lớn lợi nhuận để bổ sung vào vốn lưu động hoặc tái đầu tư tài sản cố định (CAPEX). Tăng trưởng nội tại sẽ giúp thúc đẩy giá cổ phiếu tăng trong dài hạn.

Quan trọng là, số tiền được giữ lại sẽ đem đến giá trị cao hơn cho cổ đông trong tương lai thay vì cổ đông nhận về cổ tức tiền mặt. Điều này được thể hiện thông qua tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) > chi phí vốn chủ sở hữu (COE).

Ngược lại, bạn cần tránh xa những doanh nghiệp có ROE < COE nhưng vẫn giữ lại lợi nhuận và không trả cổ tức tiền mặt. Điển hình như CTCP Tập đoàn FLC càng giữ lại tiền của cổ đông thì càng làm xói mòn giá trị của cổ đông.

Khi bạn đã hiểu rõ hai hình thức chi cổ tức là gì, bạn sẽ có thêm căn cứ để đánh giá doanh nghiệp dựa trên chính sách cổ tức. Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá cao các doanh nghiệp chi cổ tức kết hợp giữa tiền mặt và cổ phiếu như HPG, VNM, FPT thường làm, nó giúp tăng giá trị cổ đông lên rất nhiều.

4. Nhận cổ tức và nộp thuế thu nhập cá nhân

Để được nhận cổ tức, bạn chỉ cần nắm giữ cổ phiếu đến ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ). Cuối bài viết tôi sẽ đưa ra ví dụ HPG chia cổ tức để bạn hiểu rõ hơn.

Nếu cổ phiếu bạn nắm giữ là cổ phiếu đã niêm yết, cổ tức tiền mặt sẽ được trả trực tiếp vào tài khoản chứng khoán của bạn. Trường hợp doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu thì tài khoản chứng khoán của bạn sẽ nhận được cổ phiếu mới sau 30 đến 60 ngày.

Hiện tại, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức vẫn là chủ đề gây tranh cãi vì nó khá vô lý. Do khuôn khổ bài viết có hạn, tôi sẽ không bàn về vấn đề này.

Khi nhận cổ tức bằng tiền mặt, bạn sẽ bị đánh thuế 5%. Ví dụ, nếu công ty trả cổ tức 1.000 đồng/cổ phiếu, bạn sẽ nhận được 950 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, nhận cổ tức bằng cổ phiếu bạn cũng bị đánh thuế 5% nếu bạn bán số cổ phiếu đó đi.

5. Giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm trong ngày giao dịch không hưởng quyền

Trường hợp trả cổ tức tiền mặt

Cổ phiếu X có thị giá 20.000 đồng/cổ phiếu, số lượng cổ phiếu lưu hành là 1 triệu cổ phiếu, vậy vốn hóa là 20 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức là 10% mệnh giá, tương ứng 1.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá mỗi cổ phiếu là 10.000 đồng).

Giả sử tại ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ), thị giá cổ phiếu giữ nguyên là 20.000 đồng thì vốn hóa cổ phiếu A vẫn là 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị sổ sách (book value) bị giảm 1.000 đồng/cổ phiếu vì khi trả cổ tức bằng tiền, doanh nghiệp sẽ sử dụng lợi nhuận chưa phân phối để trả cổ tức, làm giảm vốn chủ sở hữu và làm giảm giá trị sổ sách.

Như vậy, vốn hóa cổ phiếu sẽ phải giảm tương ứng theo giá trị sổ sách, kéo thị giá mỗi cổ phiếu giảm theo.

Trường hợp trả cổ tức bằng cổ phiếu

Xét ví dụ cổ phiếu X ở trên nhưng tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 1:1, tương ứng với mỗi cổ phiếu đang nắm giữ, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Như vậy số lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ trở thành 1 triệu x 2 = 2 triệu cổ phiếu.

Vì không hề có dòng tiền đi ra nên vốn chủ sở hữu giữ nguyên và giá trị sổ sách không đổi.

Tuy nhiên, nếu thị giá cổ phiếu không điều chỉnh giảm thì vốn hóa cổ phiếu sẽ là 20.000 đồng x 2 triệu cổ phiếu = 40 tỷ đồng. Thật vô lý khi giá trị sổ sách giữ nguyên mà vốn hóa thị trường lại tăng gấp đôi.

Do đó thị giá mỗi cổ phiếu cần phải được điều chỉnh giảm tương ứng.

Công thức điều chỉnh giá cổ phiếu

co-tuc-la-gi-anh-06

Ví dụ HPG chia cổ tức

CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 1/6/2021 (gọi là ngày chốt quyền) để trả cổ tức năm 2020. Ngày giao dịch liền trước ngày chốt quyền được gọi là ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ), ở đây là ngày 31/5. Trong ngày GDKHQ, việc mua cổ phiếu HPG không đem lại quyền nhận cổ tức hoặc việc bán cổ phiếu HPG không làm mất đi quyền nhận cổ tức của cổ đông.

Lưu ý: Nếu một doanh nghiệp chốt quyền vào 31/5 (thứ 2) thì ngày GDKHQ sẽ là 28/5 (thứ 6) vì 29 và 30/5 là hai ngày nghỉ cuối tuần.

Nếu bạn muốn mua cổ phiếu HPG để nhận cổ tức, bạn phải khớp lệnh mua muộn nhất vào 28/5 (thứ 6). Thời gian thanh toán trên TTCK Việt Nam là T+2, tức là mất hai ngày làm việc sau khi khớp lệnh mua thì cổ phiếu mới về đến tài khoản. 29 và 30/5 là ngày nghỉ nên không tính, phải đến ngày 1/6 (thứ 3) cổ phiếu mới về đến tài khoản, lúc đó mới có tên bạn trong danh sách cổ đông của HPG vào ngày chốt quyền.

Ngược lại, nếu bạn đang sở hữu cổ phiếu HPG và không muốn nhận cổ tức, bạn cần khớp lệnh bán cổ phiếu muộn nhất vào ngày 28/5 (thứ 5). Ngày 1/6 (thứ 3), cổ phiếu không còn trong tài khoản của bạn, do đó bạn không còn trong danh sách cổ đông của HPG nữa.

Quay trở lại câu chuyện cổ tức, HPG chi trả 5% tiền mặt và 35% cổ phiếu. Nói cách khác, nhà đầu tư nào có 100 cổ phiếu HPG vào ngày chốt quyền sẽ nhận được 35 cổ phiếu mới và 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế thu nhập cá nhân).

Giả sử, cổ phiếu HPG có thị giá đóng cửa ngày 30/5 là 58.500 đồng. Ngày 31/5 là ngày GDKHQ với các quyền sau:

  • Cổ tức tiền mặt (D) với tỷ lệ 5% mệnh giá, tương đương 500 đồng/cổ phiếu
  • Tỷ lệ cổ tức cổ phiếu (n) là 35% hay 100:35
  • Tỷ lệ cổ phiếu phát hành thêm (m) là 0% vì HPG không chào bán cổ phiếu mới

Giá tham chiếu cổ phiếu HPG tại ngày 31/5 sẽ được tính như sau:

Như vậy thị giá một cổ phiếu HPG sau điều chỉnh là 43.000 đồng.

Liên quan đến vấn đề cổ tức, chúng ta sẽ còn gặp lại nhau qua bài viết về tỷ suất cổ tức (dividend yield) và mô hình định giá cổ phiếu bằng chiết khấu dòng cổ tức (dividend discount model). Hi vọng bài viết này đã giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc cổ tức là gì bằng những kiến thức dễ hiểu nhất.

Nguồn :  doclaptaichinh.vn

Post a Comment

Previous Post Next Post